Tiểu sử Lê Anh Tuấn (quan nhà Lê)

Lê Anh Tuấn là người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây; nay là thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Ông thuộc dòng dõi Tiến sĩ Lê Kim Chương[1].

Đời vua Lê Hy Tông, năm Giáp Tuất (1694), Lê Anh Tuấn thi đỗ Tiến sĩ, được bổ chức quan.

Năm 1715, ông được cử làm Chánh sứ [2] sang nhà Thanh (Trung Quốc). Khi về, ông lần lượt trải đến Tả thị lang bộ Hộ, rồi Bồi tụng ở phủ chúa Trịnh.

Năm 1719, ông được hầu giảng ở tòa Kinh diên, và được phong tước Điện Thành nam [3].

Năm 1720, xét công trong 10 năm của các quan văn võ, ông được dự hàng đầu [3], được thăng làm Thượng thư bộ Hình, tước Điện Quận công. Ít lâu sau, ông cùng Nguyễn Công Hãng (đỗ Tiến sĩ cùng khoa với ông) và Nguyễn Công Cơ vào làm Tham tụng ở phủ chúa Trịnh Cương.

Năm 1726, thăng ông làm Thiếu bảo kiêm Đại học sĩ Đông các. Năm 1730, thăng ông làm Thượng thư bộ Hộ, gia hàm Thái tử thái bảo [3].

Về sau, do bị vu tội phế lập Thái tử[4], chúa Trịnh Giang đổi ông ra làm Đốc trấn Lạng SơnThái Nguyên (1732), rồi lại bị giáng làm Thừa chánh sứ Lạng Sơn (1734)[1].

Năm 1736, chúa Trịnh Giang lại buộc ông và Nguyễn Công Hãng phải tự tử.

Năm 1741, Trịnh Doanh lên nối nghiệp chúa, xét lại việc cũ, truy phong lại quan tước cho ông và truy tặng Thái bảo, thụy là Đạt Nghị.

Ông là người thông minh, trầm tĩnh, kín đáo, nghiêm nghị, chắc chắn, có tài chính sự và giỏi văn chương. Trong dân gian lúc bấy giờ có câu: "Văn chương Lê Anh Tuấn, Chính sự Nguyễn Đình Hiền". Khi ông bị bức tử, trong triều ngoài nội ai cũng thương xót [5].